Bình quân mỗi năm có trên 70 doanh nghiệp tham gia vào khâu xuất khẩu viên nén. Ảnh: N.Thanh
Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, viên nén là một trong những mặt hàng xuất khẩu quan trọng của ngành chế biến, xuất khẩu gỗ Việt Nam.
Bình quân mỗi năm, Việt Nam xuất khẩu trên dưới 3 triệu tấn viên nén với kim ngạch xuất khẩu đạt 350 triệu USD. Chỉ tính riêng trong 8 tháng năm 2021, lượng xuất khẩu viên nén đạt 2,4 triệu tấn, tương đương 273 triệu USD.
Hàn Quốc và Nhật Bản là 2 thị trường nhập khẩu viên nén lớn nhất của Việt Nam, với lượng xuất khẩu sang 2 thị trường này mỗi năm chiếm trên 90% trong tổng lượng xuất khẩu.Trong đó, thị trường Hàn Quốc có quy mô lớn hơn so với thị trường Nhật Bản nhưng mức độ ổn định tại thị trường Nhật Bản lại cao hơn.
Theo khảo sát mới đây của Nhóm nghiên cứu Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, mức giá xuất khẩu viên nén bình quân sang thị trường Nhật Bản hiện cao hơn giá xuất sang Hàn Quốc khoảng 20-30 USD/tấn.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Hải quan, ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia phân tích chính sách của Tổ chức Forest Trends nhìn nhận, một trong những điểm mạnh trực tiếp góp phần vào sự hình thành và phát triển của ngành viên nén là nguồn nguyên liệu đầu vào dồi dào, được tạo ra từ gỗ phụ phẩm của ngành chế biến.
Nguồn gỗ đầu vào để làm viên nén bao gồm mùn cưa, dăm bào, cành đầu mẩu, cành ngọn gỗ rừng trồng có đường kính khoảng 2cm trở xuống. Các cơ sở chế biến viên nén không đòi hỏi đầu tư về công nghệ quản lý lớn và phức tạp, tạo cơ hội cho nhiều doanh nghiệp tham gia vào khâu sản xuất.
Tuy nhiên, ngành sản xuất và xuất khẩu viên nén hiện đang tồn tại một số mặt hạn chế. Cụ thể, đầu vào nguyên liệu chưa được kiểm soát chặt chẽ về khía cạnh chất lượng và pháp lý. Một số cơ sở chế biến sử dụng nguyên liệu hỗn tạp, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.
Nguồn cung gỗ nguyên liệu đầu vào có chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) hạn chế, trong khi đòi hỏi của thị trường xuất khẩu về mặt hàng có chứng chỉ ngày càng tăng. Trong khi đó, hiện ngành đang có dấu hiệu cung lớn hơn cầu, dẫn đến sự cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp, bao gồm cả việc cạnh tranh không lành mạnh như chèn ép giá.
Dù vậy, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đánh giá, ngành sản xuất viên nén vẫn còn có dư địa để phát triển bền vững. Nhu cầu tiêu thụ viên nén tại Nhật Bản sẽ tiếp tục tăng trong tương lai. Theo một số doanh nghiệp xuất khẩu, lượng viên nén tại thị trường này sẽ có thể mở rộng gấp 3 lần cho tới năm 2024-2025 so với hiện nay.
“Nếu năng lực sản xuất của Việt Nam được giữ nguyên ở mức hiện tại, cung – cầu mặt hàng này sẽ cân bằng trong 2-3 năm tới”, đại diện Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết.
Bên cạnh đó, ngành có tiềm năng trong việc nâng cao tỷ trọng sản phẩm có chứng chỉ FSC. Điều này có thể đạt được thông qua hình thức hợp tác giữa các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu với các hộ trồng rừng để tạo nguồn gỗ chứng chỉ.
Từ thực tế phát triển của ngành viên nén, Nhóm nghiên cứu khuyến nghị hình thành một tổ chức đại diện cho các doanh nghiệp ngành như chi hội viên nén là điều cần thiết, bởi điều này sẽ trực tiếp góp phần vào việc điều tiết các hoạt động sản xuất và xuất khẩu của ngành trong tương lai.
Chi hội đóng vai trò đầu mối thông tin, cung cấp cho các doanh nghiệp thành viên thông tin về thị trường đầu ra sản phẩm, bao gồm thông tin về nhu cầu và các yêu cầu pháp lý và bền vững về sản phẩm.